Hoạt động chuyên môn
HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN - GIẢI PHÁP VÀ HIỆU QUẢ
Hoạt động chuyên môn
HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN - GIẢI PHÁP VÀ HIỆU QUẢ
Trong những năm qua, chất lượng chuyên môn của trường THPT Trần Quang Khải ngày càng được khẳng định. Từ chất lượng đào tạo mũi nhọn đến chất lượng giáo dục đại trà đạt nhiều thành tựu đáng kể. Học sinh lên lớp hàng năm đạt trên 99%. Tỷ lệ học sinh khối 12 thi tốt nghiệp trong 5 năm liền đều đạt 100%. Tỷ lệ học sinh thi đỗ Đại học, Cao đẳng đạt 70%. Năm học 2010 - 2011, học sinh khối 12 của trường đứng trong tốp 200 trường THPT có điểm thi Đại học cao nhất toàn quốc, đứng thứ 3 của tỉnh Hưng Yên. Đội tuyển học sinh giỏi các môn Văn hóa nhiều năm qua luôn được giữ vững ở tốp đầu của các trường THPT trong toàn tỉnh Hưng Yên. Để có được kết quả đó, Ban chuyên môn đã xây dựng những kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng tuần, từng tháng. Kế hoạch được gửi đến các tổ chuyên môn, triển khai cụ thể đến từng giáo viên để thực hiện.
Trong kế hoạch chuyên môn đã xây dựng, chúng tôi nhận thấy thực hiện một số giải pháp đã góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục trong nhà trường.
* Thứ nhất là việc triển khai các chuyên đề:
- Đây là nội dung sinh hoạt thường xuyên và rất cần thiết, các chuyên đề tập trung vào những đề tài như đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện các kỹ năng bộ môn, dạy các bài khó, ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng thiết bị dạy học, làm mới đồ dùng dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu…
-Việc triển khai các chuyên đề cần có kế hoạch, được tổ chức, kiểm tra, đánh giá thì mới có chất lượng và hiệu quả tốt. Sau khi xác định được các chuyên đề, việc triển khai nên gồm các bước:
+ Phân công giáo viên chuẩn bị chuyên đề;
+ Tổ trưởng duyệt bản thảo;
+ Báo cáo chuyên đề ở tổ, nhóm, các tổ viên góp ý, phản biện;
+ Cá nhân phụ trách hoàn thiện chuyên đề;
- Khi trao đổi, thảo luận ở tổ cần làm rõ vấn đề đổi mới phương pháp dạy học cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về dạy học tích cực. Chuyên đề về ứng dụng CNTT trong dạy học cần quan tâm: Sử dụng CNTT đến mức độ nào trong bài giảng cụ thể này? Giáo viên phải coi trọng các thủ pháp dẫn dắt học sinh tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, lôgíc.
* Thứ hai là rèn luyện kỹ năng sư phạm của giáo viên
- Nâng cao chất lượng giờ dạy là mục tiêu chính của mỗi giáo viên, tổ chuyên môn và nhà trường. Điều này được thực hiện qua nhiều biện pháp khác nhau. Ở các buổi sinh hoạt tổ có thể trao đổi, góp ý những điểm cần khắc phục của giáo viên, bàn bạc kế hoạch dạy từng bài, từng tuần chi tiết, tạo sự thống nhất cao trong tổ, nhóm…
* Thứ ba là tổ chức các tiết dự giờ, thao giảng
- Dự giờ là hoạt động quan trọng đối với việc phát triển chuyên môn của mỗi giáo viên. Dự giờ sẽ giúp cho giáo viên được dự giờ chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Việc dự giờ còn giúp cho giáo viên đi dự giờ học tập, rút kinh nghiệm từ tiết dạy của đồng nghiệp, thông qua việc xử lí tình huống của đồng nghiệp, giáo viên sẽ khắc phục được những thiếu sót trong quá trình giảng dạy...
- Khi đánh giá, rút kinh nghiệm các tiết dạy cần thẳng thắn, chân tình với tinh thần giúp nhau cùng tiến bộ, phải đánh giá thực chất, nêu ra được những điểm mạnh, những hạn chế của người dạy về kiến thức, kỹ năng, thái độ, về nội dung, phương pháp, phong cách.
* Thứ 4 là tổ chức tiết dạy ôn tập có hiệu quả
- Dạy tiết ôn tập có chất lượng là điều không dễ. Mục tiêu của các bài ôn tập nói chung là vừa củng cố các kiến thức đã học của một chương hay một phần nào đó, vừa mở rộng, nâng cao, so sánh đối chiếu với các kiến thức có liên quan, vừa góp phần bồi dưỡng một số kỹ năng nhất định cho học sinh.
- Tổ chức tiết dạy ôn tập có hiệu quả là vấn đề các tổ chuyên môn cần thảo luận, bàn bạc để chọn cách ôn tập phù hợp cho từng chương, từng phần, phù hợp với mục tiêu của bài ôn tập cũng như phù hợp với các đối tượng học sinh của lớp. Trong sinh hoạt tổ chuyên môn cần thống nhất về nội dung, phương pháp, thời lượng ôn tập.Hướng dẫn học sinh tự tổng hợp kiến thức theo sơ đồ tư duy. Yêu cầu của tiết ôn tập là hệ thống được kiến thức trong phần ôn tập, có thể nâng cao, mở rộng tùy mục đích, đối tượng ôn tập, rèn luyện được kỹ năng cần thiết cho học sinh. Giáo viên nên bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng mà Bộ GD-ĐT đã ban hành.
Trên đây, chỉ là một số ý kiến của chúng tôi về hoạt động chuyên môn trong nhà trường. Hiệu quả hoạt động giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song nếu mỗi thầy cô giáo, các tổ chuyên môn đều quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình thì trong những năm tới chất lượng dạy và học của trường ta ngày càng đạt kết quả cao hơn.
Bùi Thị Thu Hằng
- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải