Chủ đề tháng 12: Tuyên truyền về biển đảo, biên giới đất liền
THPT TRẦN QUANG KHẢI
TUYÊN TRUYỀN VỀ BIỂN ĐẢO – BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Cũng từ đó, ngày 22/12 trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại, là ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 22/12/1989 -Ngày hội Quốc phòng toàn dân lần đầu tiên được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước và từ đó đến nay, ngày này hằng năm trở thành ngày hội lớn, ngày hội quy tụ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc của toàn dân tộc.
Thực tế cũng cho thấy, tình hình thế giới và khu vực có những biến động rất phức tạp, khó lường, tác động lớn và đặt ra nhiều vấn đề mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi công dân Việt Nam càng phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá cách mạng và công cuộc xây dựng tổ quốc Việt Nam.
Đặc biệt, trong thời kỳ mới, nhất là trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông trong thời gian qua thì công tác tuyên truyền phải được tăng cường hơn nữa và không ngừng đổi mới nội dung lẫn hình thức.
Với tinh thần đó, sáng thứ 2 ngày 12 tháng 12 năm 2022 trường THPT Trần Quang Khải đã tổ chức buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp với chủ đề: TUYÊN TRUYỀN VỀ BIỂN ĐẢO – BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN dưới hình thức “Sân khấu hóa”.
Đến dự và chỉ đạo buổi hoạt động, có thầy Trần Xuân Đông, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể các thầy cô trong Ban chi ủy, Ban giám hiệu,
Tham gia buổi tuyên truyền còn có các thầy cô giáo trong HĐSP và toàn bộ hơn một nghìn học sinh của nhà trường.
Nội dung buổi hoạt động gồm 3 phần:
*Phần 1: Văn nghệ hát, múa tốp ca
Mở đầu chương trình những điệu múa uyển chuyển trên nền nhặc “ BÈO DẠT MÂY TRÔI” và “TÁT NƯỚC ĐẦU ĐÌNH”.
- Tiếp theo là tiết mục nhảy sôi động trên nền nhặc bài CÔ BA SÀI GÒN và SÀI GÒN ĐẸP LẮM. Hai tiết mục trên vừa tạo nên không khí sôi động, vừa thể hiện những nét đẹp tâm hồn của người Việt Nam từ Bắc vào Nam, từ đó khơi gợi lên tình yêu quê hương đất nước.
- Cuối cùng là ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sỹ Thế Song, do hs Lê Đình Dũng đệm đàn ghi-ta và hs Hoàng Hải Ly thể hiện đã khắc họa lòng tự hào về chủ quyền đất nước, cùng tâm tư của những chiến sĩ hải quân.
*Phần 2: Tiểu phẩm kịch “Bố sẽ tự hào về con”:
Sau phần văn nghệ là tiểu phẩm kịch “Bố sẽ tự hào về con”. Qua diễn xuất của tập thể 2 lớp đã chia sẻ cùng học sinh toàn trường về nỗi vất vả, gian lao và cả nguy hiểm của những người lính biển, bên cạnh đó là sự nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và biên giới đất liền của giới trẻ, từ đó tiếp bước các thế hệ bộ đội Cụ Hồ đi trước.
Qua tiểu phẩm kịch, các em muốn đưa ra bàn luận và nhấn mạnh 3 nội dung chính:
1: Vấn đề về Vùng biển Việt Nam đã và đang có nguy cơ bị xâm phạm bởi nhiều thế lực
2. Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và tinh thần bất khuất bảo vệ biển đảo quê hương
3. Tre già măng mọc, thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cha anh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam
*Phần 3: Bài tham luận về chủ đề “TUYÊN TRUYỀN VỀ BIỂN ĐẢO – BIÊN GIỚI ĐẤT LIỀN”
HS Ngô Diệu Linh lớp 11A1 đã đưa ra bài tham luận với nội dung xoay quanh 3 vấn đề mà tiểu phẩm kịch đã đưa ra.
Bài tham luận kết thúc với lời tuyên thệ: HS trường THPT Trần Quang Khải xin luôn khắc ghi “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, nguyện học tập luyện rèn và làm theo lời dạy của Bác “các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Với nội dung ý nghĩa, cách thức tổ chức sáng tạo, giờ sinh hoạt đã được các các thầy cô tham dự đánh giá rất cao.